Lịch sử Bumiputera_(Malaysia)

Vào thời điểm Malaya độc lập từ Anh vào năm 1957, thành phần cư dân có nhiều người nhập cư thế hệ thứ nhất hoặc thứ hai, họ đến để đáp ứng nhu cầu nhân lực trong thời thuộc địa với thân phận là lao công khế ước. Những di dân hợp pháp người Hoa thường cư trú tại các khu vực đô thị, họ giữ một vị thế quan trọng trong lĩnh vực thương nghiệp vì sau khi người Ấn Độ hồi hương, người Hoa đã mua lại được nhiều cơ sở. Ủy ban Liên lạc các cộng đồng (CLC) gồm các chính trị gia hàng đầu từ các xuất thân dân tộc khác nhau, họ ủng hộ xúc tiến bình đẳng kinh tế cho người Mã Lai, với điều kiện là bình đẳng về chính trị cho các dân tộc không phải người Mã Lai. Thành viên E.E.C. Thuraisingham trong ủy ban sau này có nói rằng " Tôi và những người khác cho rằng người Mã Lai lạc hậu cần được đối đãi tốt hơn. Người Mã Lai cần được giúp đỡ để đạt đến mức độ ngang hàng với người phi Mã Lai để tạo ra một quốc gia Malaya thống nhất trong bình đẳng."[7] Biến đổi nhân khẩu học to lớn diễn ra trong toàn bộ các quốc gia là thuộc địa của Anh, các lao công cho người Anh (người Hoa và người Ấn) được khuyến khích di cư đến các quốc gia thuộc địa, và các cơ hội kinh doanh còn được người Anh trao cho họ thay vì người bản địa. Do đó, Điều 153 trong Hiến pháp ghi rằng

Yang di-Pertuan Agong có trách nhiệm bảo vệ vị thế đặc biệt của người Mã Lai và người bản địa của các bang Sabah và Sarawak và các lợi ích hợp pháp của các cộng đồng khác phù hợp với các điều khoản của Điều này.

Điều 160 định nghĩa một người Mã Lai là một người "tuyên bố tin theo Hồi giáo, thường xuyên nói tiếng Mã Lai, tuân theo các phong tục Mã Lai và là con của ít nhất một cha/mẹ sinh tại Liên bang Malaysia trước khi Malaya độc lập vào ngày 31 tháng 8 năm 1957, hoặc là hậu duệ (con đẻ) của một người như vậy."

Điều 8 của Hiến pháp viết rằng mọi công dân Malaysia bình đẳng theo luật pháp, và "Trừ khi được hiến pháp này cho phép một cách rõ ràng, sẽ không có kỳ thị chống lại các công dân chỉ dựa trên tôn giáo, chủng tộc, nguồn gốc hoặc nơi sinh trong bất kỳ luật nào hoặc trong bổ nhiệm bất kỳ chức vụ và công việc nào thuộc thẩm quyền công cộng..." Điều 153 nghiêm cấm rõ ràng các hình thức kỳ thị cụ thể; khoản 5 viết rằng mọi người bất kể chủng tộc sẽ được đối xử công bằng trong công vụ Liên bang, còn khoản 9 viết rằng không trao quyền cho Nghị viện hạn chế kinh doanh hoặc mậu dịch chỉ cho người Mã Lai.

Thuật ngữ vị thế đặc biệt của Bumiputra bị tranh chấp. Ủy ban Reid vốn soạn thảo hiến pháp thì ban đầu đề xuất rằng Điều 153 mãn hạn sau 15 năm trừ khi được Quốc hội kéo dài[cần dẫn nguồn], song bị gạt ra trong dự thảo cuối cùng. Sau sự kiện ngày 13 tháng 5 năm 1969, các đại biểu trong chính phủ tranh luận về việc vị thế đặc biệt của người bumiputra có nên có thời hạn hay không.[cần dẫn nguồn]

Ismail Abdul Rahman tranh luận rằng "vấn đề thuộc về bản thân người Mã Lai bởi vì... khi ngày càng có nhiều người Mã Lai được giáo dục và có được tự tin, bản thân họ sẽ xóa đi vị thế đặc biệt này." Ismail cho rằng vị thế đặc biệt là "một vết nhơ về năng lực của người Mã Lai."[8] Tuy nhiên, vào năm 1970 một thành viên trong nội các Malaysia nói rằng các quyền lợi đặc biệt của người Mã Lai sẽ duy trì trong "hàng trăm năm tới".[9]

Trong thập niên 1970, chính phủ thi hành chính sách kinh tế mới (NEP), nhằm tạo ra một dạng hành động khẳng định có tính chất mãnh liệt hơn cho người Bumiputra so với Điều 153. Điều 153 quy định cụ thể việc sử dụng hạn ngạch trong cấp học bổng, vị trí trong công vụ và giấy phép kinh doanh, cũng như vùng dành riêng cho người bản địa. Các chính sách theo tiêu chí của NEP gồm có trợ cấp mua bất động sản, hạn ngạch trong cổ phần PIPE, và trợ cấp chung cho các doanh nghiệp Bumiputra.[cần dẫn nguồn]

Cựu Thủ tướng Abdullah Ahmad Badawi và người tiền nhiệm của ông là Mahathir bin Mohamad đều cho rằng người Mã Lai cần ít dựa vào giúp đỡ của chính phủ. Nhiều nhà quan sát tin rằng việc bãi bỏ hoàn toàn các đặc quyền bumiputra là không có triển vọng, đặc biệt là trong bối cảnh liên quan đến hiến pháp, dù các chính phủ kế tiếp từ thời Mahathir đã nỗ lực nhằm cải cách hệ thống trợ cấp chính phủ cho bumiputra.[cần dẫn nguồn] Một số nhóm bumiputra tin rằng cần có hành động khẳng định hơn nữa.[cần dẫn nguồn]

Quốc hội bắt đầu sử dụng thuật ngữ bumiputra vào năm 1965. Sau tranh luận về việc tạo ra Majlis Amanah Rakyat (MARA), chính phủ thành lập một chơ quan nhằm bảo vệ các lợi ích bumiputra.[10]

Trong tháng 7 năm 2017, Thủ tướng Najib Razak nói rằng chính phủ sẽ xem xét thỉnh cầu của cộng đồng người Ấn theo Hồi giáo về việc được công nhận là Bumiputera, điều này được cho là một động thái thu hút cử tri trong bầu cử sắp diễn ra.[11]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Bumiputera_(Malaysia) http://atimes.com/atimes/Southeast_Asia/FJ02Ae05.h... http://web5.bernama.com/events/umno2005/news.php?i... http://www.economist.com/node/1677328 http://www.helplinelaw.com/law/constitution/malays... http://www.helplinelaw.com/law/constitution/malays... http://www.malaysiakini.com/news/30623 http://www.temiar.com/temiar.html http://www.theborneopost.com/?p=60757 http://www.themalaymailonline.com/malaysia/article... http://www.themalaysianinsider.com/index.php/malay...